Hoàn cảnh Thương_vụ_Alaska

Vì khó khăn tài chính và lo ngại không phòng thủ được Alaska, Nga triều có ý định bán nhượng lãnh thổ xa xôi ở Bắc Mỹ vào giữa thế kỷ 19. Cùng lúc đó Anh đang mở tầm ảnh hưởng ở tây Canada. Nga lo là sẽ mất trắng Alaska nếu có xung đột quân sự với Anh. Vì lẽ đó, Nga hoàng Aleksandr II quyết định bán vùng đất này cho Hoa Kỳ, và chỉ thị cho đại sứ Nga tại Hoa Kỳ là Eduard de Stoeckl, tiến hành thương thuyết với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1867.

Cuộc thương thuyết kết thúc sau một cuộc hội đàm kéo dài thâu đêm, chấm dứt vào 4 giờ sáng ngày 30 tháng 3 khi hai bên hạ bút ký tờ hiệp định[1] với giá mua là 7,2 triệu dollar (bình quân là khoảng 1,9 cent một acre). Dư luận Hoa Kỳ khi đó nói chung là ủng hộ, nhưng một số báo chí thì châm biếm cho đó là lầm lẫn phiêu lưu của Ngoại trưởng Seward. Đáng kể nhất là Horace Greeley của tờ New York Tribune như sau:

Chúng ta đã phải còng lưng ra gánh vác lãnh thổ không có dân cư sinh sống. Người da đỏ trong biên giới chúng ta khiến chúng ta phải căng sức ra mà cai quản họ. Lẽ nào, chúng ta bây giờ, hoàn toàn không hề mù quáng, mà lại đi chất thêm vào những khó khăn hiện tại bằng cách tăng thêm số thổ dân mà chính phủ phải coi sóc? Chi phí phải trả rất nhỏ, nhưng chi phí hành chính hàng năm cả quân sự và dân sự, sẽ lớn hơn nhiều, và sẽ kéo dài mãi mãi. Lãnh thổ này lại chẳng nối liền với nội địa Hoa Kỳ. Nó nằm ở một vị trí rất trái khoáy, và xa đến mức nguy hiểm. Hiệp định này được soạn ra một cách bí mật, được ký kết lén lút lúc 1 giờ sáng. Đây là một hành vi đen tối tiến hành lúc nửa đêm...

Tờ New York World thì cho rằng đây là một "trái cam đã bị vắt kiệt nước" và "Nó chẳng có gì đáng giá, ngoài một ít thú săn để lấy lông, vốn đã bị săn bắn đến gần tuyệt chủng. Ngoài quần đảo Aleut và một dải đất ven biển phía nam, vùng đất này thậm chí chẳng đáng đem tặng ai... Trừ khi người ta tìm thấy vàng ở đây, còn thì không biết bao lâu sau ở đó mới có được một nhà in ấn Hoe, một nhà thờ dòng Methodist và một sở cảnh sát đô thị".

Cũng theo tờ New York Tribune thì đó là một "vùng hoang sơ được ướp lạnh".[2]